GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 10 - 2024

 

GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 10

Review sách “Ngõ phố Hà Nội – Những khám phá”

 

Tác giả Ito Tetsuji. Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội – 2009 Tác giả Ito Tetsuji. Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội – 2009

Nếu như các nhà văn trước đây có góc nhìn về người Hà Nội giản dị mà thanh lịch, văn minh, những nét đẹp văn hóa về ẩm thực, trang phục,… Thì đối với tác giả Ito Testuji đã có những phát hiện đầy mới lạ, chân thật về phong cách sống, các sinh hoạt thường ngày tại các ngõ phố nhỏ Hà Nội mà ít tác giả để ý tới. Ngôn từ trong câu chuyện của tác giả rất giản dị, câu văn có thể chưa thật thuần Việt nhưng có lẽ đó là điều thú vị vì đây là cách nhìn của người Nhật viết về Hà Nội.

Người đọc có thể ngắm nhìn 74 bức ảnh đen trắng được tác giả chụp một cách nghiệp dư một cách tinh tế, chủ yếu là các bức ảnh trong sinh hoạt ngày thường xuyên suốt cuốn sách. Như ảnh một nhóm phụ nữ đang tập Thái cực quyền mang tính cộng đồng cao, cà gia đình đèo nhau trên một chiếc xe máy, hay quán bia hơi, quán ăn vỉa hè,… giản dị mà rất đặc sắc, mang đầy đủ cảm xúc từ vui vẻ, hân hoan tới những khoảnh khắc u buồn, ảm đạm của con người Hà Nội. Các chú thích tại mỗi bức ảnh lại gắn liền với khoảnh khắc đời thường với thắc mắc về văn hóa con người, như bức ảnh: “Có thực mới vực được đạo” và chú thích: “hai người phụ nữ vừa bán hàng rong, vừa ăn phở. Họ chẳng bận tâm đến việc ăn như thế nào là vô duyên hay bất lịch sự gì cả… Họ không gò bó như người Nhật. Đó chính là sức hấp dẫn của người Hà Nội”.

Nhắc tới một trong những lý do về việc ông chọn ngõ nhỏ để nghiên cứu: “Cuộc sống sinh hoạt thường nhật trong ngõ phố nơi đây và mối quan hệ giữa con người với con người trong thế giới đó đã hút hồn tôi”.

Chính vì lẽ đó mà mỗi phần sách là một câu chuyện về các hoạt động thường ngày của những con người, gia đình mà tác giả gặp gỡ, từ những câu chuyện như mua bán, vui chơi với trẻ em, xóm làng, chuyện xây nhà ở đến những câu chuyện văn hóa như cãi nhau, văn hóa chứa đựng yếu tố xuề xòa, ngôn ngữ, tiếng nói, phong tục, lễ tết,…

Khác với những nhà nghiên cứu nước ngoài trước kia, tác giả khi nghiên cứu đã hòa mình với văn hóa của cộng đồng làng xóm của ngõ phố Hà Nội một cách rõ nét, anh đã lắng nghe, quan sát, tìm hiểu về các hoạt động ấy. Để rồi từ đó có những nhận xét về tính cách, văn hóa của người Hà Nội và chỉ rõ sự khác biệt với người Nhật Bản. Qua những câu chuyện thực tế ấy, tác giả đã lôi cuốn người đọc về những câu chuyện gần gũi, dung dị mà không kém phần ngộ nghĩnh, khiến ta phải suy ngẫm về lối sống vốn đã quen thuộc với biết bao thế hệ.

“Văn hóa là một cái gì đó rất đỗi bình thường, tưởng chừng như là điều hiển nhiên, ngay cả sự vận động và biến đổi của nó cũng diễn ra một cách vô hình và không ồn ào, đến nỗi ta thường không để ý tới. Nhưng để đề cập tới một điều bình thường, có lẽ lại khó hơn cả” Nhận định này của tác giả đã được đề cập trong những trang bìa đầu tiên và nhắc lại ở một số trang khi nói về văn hóa ngõ phố Hà Nội. Văn hóa con người Hà Nội tỏa ra từ những ngõ xóm nhỏ bé, nó không ồn ào mà nằm trong trong tâm hồn và cốt cách của người Hà Nội. Người Hà Nội tuy không dư dả về kinh tế, nhưng khi tiếp xúc với họ lại toát lên sự gần gũi, thân quen, không câu nệ.

Khi thâm nhập vào phố phường những con phố nhỏ, tác giả bị cuốn hút và cũng thốt lên rằng: “Tôi nghĩ rằng người Hà Nội rời xa ngõ phố chính là mất đi cội rễ của cuộc sống”. Thông qua cuốn sách này, mỗi người trong chúng ta đều cảm thấy nhớ, yêu Hà Nội qua từng điều chân thực và giản dị nhất. Nơi đây được coi là một trung tâm văn hóa – chính trị của quốc gia, có lịch sử hào hùng, bi tráng về một thời máu lửa của dân tộc.

❤️Hiện nay ở tại thư viện đang còn rất nhiều cuốn sách hay nữa về Hà Nội. Xin mời các bạn cùng đến đọc và tìm hiểu nhé.♥️♥️♥️